Hội thẩm Hoa_Kỳ_–_Tôm_Việt_Nam_II

Ngày 20 tháng 12 năm 2012, Việt Nam yêu cầu Cơ quan Giải quyết tranh chấp thành lập Ban Hội thẩm, tuy nhiên, đã bị trì hoãn trong cuộc họp giai đoạn này, sau đó, ngày 27 tháng 2 năm 2013, phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới, và các tổ chức quốc tế khác tại Genève, Thụy Sĩ tiếp tục đề nghị lập Ban Hội thẩm và đã được chấp thuận, lập Ban Hội thẩm DS429 với chủ tịch Simon Farbenbloom, hai thành viên Adrian Makuc, và Abd El Rahman Ezz El Din Fawzy, chính thức ngày 12 tháng 7 cùng năm.[11] Sau đó, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Na Uy, Thái Lan, và Ecuador tham gia với tư cách là bên thứ ba.[12] Ngày 26 tháng 9 năm 2013, Ban Hội thẩm đã đưa ra một phán quyết sơ bộ trong đó bác bỏ lập luận của Mỹ rằng lần rà soát hành chính thứ sáu không nằm trong phạm vi xem xét, đồng thời từ chối đưa ra bất kỳ quyết định nào đối với những phản đối còn lại của Hoa Kỳ trước những ám chỉ của Việt Nam rằng nước này sẽ không theo đuổi những cáo buộc tương ứng. Ngày 17 tháng 11 năm 2014, báo cáo của Ban Hội thẩm được gửi tới các thành viên, đưa ra nhận định và phán quyết về các vấn đề tranh chấp của các bên.[13]

Zeroing và URAA

Với Zeroing, vấn đề này được Việt Nam đưa ra khiếu kiện về hai ý là bản chất quy định (as such) trong các đợt rà soát hành chính, và cách áp dụng (as applied).[14] Đối với as such, Việt Nam cáo buộc Hoa Kỳ vi phạm điều ước quốc tế khi sử dụng phương pháp này liên tục các kỳ POR, Ban Hội thẩm căn cứ thực tế vào tháng 4 năm 2012,[15] Hoa Kỳ đã sửa đổi phương pháp tính toán của mình trong rà soát hành chính, cho nên nhận định rằng Việt Nam đã không chứng minh được Zeroing tồn tại như một biện pháp có quy tắc chung hoặc được sử dụng mang tính lâu dài, khả năng lặp đi lặp lại liên tục và xu hướng thời gian tiếp theo tại Mỹ. Do đó, Ban Hội thẩm bác bỏ các cáo buộc của Việt Nam rằng Mỹ vi phạm ADA, GATT 1994, bởi đã có sự thay đổi so với Hoa Kỳ – Tôm Việt Nam I trước đó.[16] Đối với các lập luận về as applied của Việt Nam,[17] Ban Hội thẩm cho rằng việc Hoa Kỳ dùng phương pháp này để tính toán biên độ phá giá của các nhà sản xuất và xuất khẩu riêng lẻ của Việt Nam trong ba đợt rà soát hành chính là không tuân thủ ADA,[18] GATT 1994, chấp thuận lập luận của bên khiếu nại.[19] Về Uruguay Round Agreements Act, Ban Hội thẩm đã bác bỏ các khiếu kiện của Việt Nam:

...Việt Nam đã thất bại trong việc chứng minh các lập luận của mình là căn cứ theo sự thực, trong đó cho rằng mục 129(c)(1) của URAA đã giúp chính quyền Mỹ trì hoãn việc thực hiện các khuyến nghị của DSB đối với bút toán không được định trước.[lower-alpha 4] Trong trường hợp trên, Ban Hội thẩm bác bỏ cáo buộc của Việt Nam đối với quy định này của pháp luật Hoa Kỳ.[20]

NME-wide entity

Với vấn đề gán tỷ lệ biên độ phá giá chung của cơ quan chức năng Hoa Kỳ trong quá trình chống bán phá giá, Ban Hội thẩm kết luận rằng Việt Nam đã thành công khi chứng minh được sự tồn tại của một tỷ lệ biên độ phá giá chung như một quy ước hay tiêu chuẩn chung và có sự áp dụng theo định hướng theo cách của Mỹ đã áp dụng là không hợp lý,[21] và như vậy Việt Nam đã chứng minh được rằng, trong các vụ kiện chống bán phá giá liên quan đến các nước có nền kinh tế phi thị trường mà Mỹ liệt kê riêng, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã áp dụng giả định cho rằng tất cả các công ty của một nước NME cấu thành nên một thực thể duy nhất, và do đó đã áp dụng một tỷ lệ biên độ phá giá chung cho toàn bộ các công ty ở một nước NME.[22] Từ đây, Ban Hội thẩm cho rằng biện pháp này khi áp dụng trong rà soát hành chính lần thứ tư, thứ năm và thứ sáu là không phù hợp với điều khoản về bằng chứng rà soát hành chính ADA khi tập hợp tất cả đối tượng vào một.[23][24]

Ban Hội thẩm cho rằng Việt Nam đã không chứng minh được Hoa Kỳ đã sử dụng một phương pháp tương tự như một quy tắc hay một tiêu chuẩn chung và có sự áp dụng theo định hướng liên quan đến cách tính tỷ lệ biên độ phá giá chung, đặc biệt đối với việc sử dụng các lập luận sẵn có đối với doanh nghiệp từ nước NME.[25] Do đó, Ban Hội thẩm đã bác bỏ lập luận của Việt Nam khi cáo buộc rằng biện pháp này là không phù hợp với chứng cứ tiếp cận thông tin từ ADA.[26][27] Tuy nhiên, Ban Hội thẩm cho rằng tỷ lệ biên độ chống bán phá giá chung áp dụng cho Việt Nam và các công ty Việt Nam trong những đợt rà soát hành chính để áp thuế nhập khẩu là không phù hợp với ADA,[28] song, đã bác bỏ lập luận của Việt Nam rằng tỷ lệ trên vi phạm phần chứng cứ thông tin.[29]

Rà soát hoàng hôn

Khi đánh giá các khiếu kiện của Việt Nam đối với quyết định của Hoa Kỳ trong vấn đề rà soát hoàng hôn, Ban Hội thẩm DS429 đã đồng ý với kết luận của các cơ quan tài phán trong các vụ tranh chấp tương tự trước đó rằng cơ quan điều tra của Mỹ nên căn cứ trên các biên độ phá giá khi quyết định một trường hợp có khả năng bán phá giá (likelihood-of-dumping) hay không,[30] và việc tính toán những biên độ phá giá này phải phù hợp với nguyên tắc của các hiệp định đã ký kết hoặc không vi phạm quy định về xem xét thuế chống phá giá.[31] Ban Hội thẩm cho rằng khi đưa ra quyết định một trường hợp có khả năng là bán phá giá,[32] Hoa Kỳ đã dựa trên một số biên độ phá giá được xác định là trái với quy định của ADA, GATT 1994, đặc biệt là biên độ phá giá với từng trường hợp cụ thể được tính bằng phương pháp Zeroing và tỷ lệ biên độ chống bán phá giá chung cho tất cả các doanh nghiệp của Việt Nam.[33] Do đó, kết luận rằng việc Hoa Kỳ dựa trên những biên độ phá giá không thống nhất trong các quy định của WTO để xác định một trường hợp có khả năng bán phá giá, là trái với ADA.[34]

Thu hồi thuế

...những yêu cầu của các nhà sản xuất và xuất khẩu Việt Nam trong đợt rà soát hành chính lần thứ tư và thứ năm đã thoả mãn được các điều kiện trên [Điều 11.2, ADA], nhưng Hoa Kỳ lại quyết định không thu hồi phán quyết và cũng không thực hiện bất kỳ việc xem xét cần thiết nào đối với việc tiếp tục áp thuế chống bán phá giá; và do đó các nhà sản xuất và xuất khẩu đã có đơn yêu cầu thu hồi phán quyết áp thuế chống bán phá giá khi không được kiểm tra riêng lẻ trong rà soát hành chính. [...] cách Hoa Kỳ giải quyết các yêu cầu thu hồi thuế chống bán phá giá của các nhà sản xuất và xuất khẩu Việt Nam là trái với quy định của Điều 11.2, ADA.

Ban Hội thẩm, nhận định về thu hồi thuế.[35]

Khi xem xét yêu cầu hủy bỏ thuế chống bán phá giá đối với một số công ty cụ thể của Việt Nam, gồm Tập đoàn Minh Phú, Minh Hải, Phương Nam, và Camimex, Ban Hội thẩm viện dẫn Điều 11.2, ADA buộc các cơ quan chức năng phải có nghĩa vụ tiến hành rà soát lại sự cần thiết đối với việc tiếp tục áp thuế chống bán phá giá trong trường hợp: nhận được yêu cầu từ một bên liên quan; sau khi đã hết một khoảng thời gian hợp lý; yêu cầu cơ quan điều tra xem xét vấn đề về bù đắp phá giá, tiếp tục thiệt hại, hoặc tái diễn thiệt hại trong tương lai hay không;[36] và yêu cầu kèm với thông tin xác thực chứng minh cần có sự rà soát lại.[37] Từ đây, Ban Hội thẩm đã nhất trí với khiếu kiện của Việt Nam khi cho rằng cách DOC giải quyết các yêu cầu thu hồi thuế chống bán phá giá của các nhà sản xuất và xuất khẩu Việt Nam là trái với quy định của Điều 11.2, ADA.

Ban Hội thẩm cũng đưa ra đánh giá đối với vấn đề nếu một cơ quan lựa chọn dựa vào các biên độ phá giá được xác định trong tương lai khi cân nhắc có đánh thuế tiếp hay không,[38] thì cách xác định biên độ phá giá đó phải nhất quán với nguyên tắc của các hiệp định.[39] Theo đó, trong quá trình tố tụng, Hoa Kỳ đã dựa vào biên độ phá giá được tính bằng phương pháp Zeroing khi xem xét yêu cầu thu hồi lệnh áp thuế chống bán phá giá, do vậy Ban Hội thẩm chấp nhận khiếu kiện của phía Việt Nam đối với cách giải quyết của Hoa Kỳ trước những yêu cầu từ Việt Nam.[40]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hoa_Kỳ_–_Tôm_Việt_Nam_II //doi.org/10.1017%2FS1474745615000737 //www.worldcat.org/issn/1474-7456 https://conventuslaw.com/report/vietnam-wto-disput... https://www.govinfo.gov/content/pkg/STATUTE-108/pd... https://web.archive.org/web/20161025072505/http://... https://web.archive.org/web/20170728200941/http://... https://web.archive.org/web/20171209120930/https:/... https://web.archive.org/web/20220119082004/https:/... https://web.archive.org/web/20220119152826/https:/... https://web.archive.org/web/20220120043701/https:/...